"Tôi sưu tầm được bài thuốc chữa cao huyết áp gồm 6 vị, trong đó có một vị gọi là tiên mao, nhưng tìm mua khắp nơi không đâu có. Xin bác sĩ cho biết đây là vị thuốc gì?".
Trả lời:
Tiên mao có tên khoa học là Curculigo orchioides Gaerten, thuộc họ Thủy tiên Amaryllidaceae, ở nước ta chính là cây sâm cau, hay còn gọi là ngải cau. Đây là loại cây cỏ cao chừng 40 cm, thân ngầm hình trụ dài, lá hình mác hẹp, hai đầu nhọn, dài 15-40 cm, rộng 12-35 mm, cuống dài 10 cm, trông gần giống như lá cau. Hoa màu vàng mọc thành từng cụm, không cuống nằm trong bẹ lá. Quả 5 nang thuôn dài 12-15 cm, hạt phình ở đầu, phía dưới có một phần phụ hình liềm. Sâm cau mọc phổ biến ở nhiều tỉnh miền Bắc nước ta, còn thấy mọc ở Campuchia, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc và Philippines.
Theo y học cổ truyền, tiên mao vị cay, tính nóng, có độc; công dụng ôn thận tráng dương, khứ hàn trừ thấp. Nó thường được dùng để chữa các chứng bệnh như phong thấp, tâm căn suy nhược, liệt dương, ho, trĩ, hoàng đản (vàng da), tiết tả (đi lỏng), ghẻ, viêm da (dùng ngoài giã nát)...
Theo nghiên cứu của dược lý học hiện đại, tiên mao có tác dụng tăng cường công năng miễn dịch, nâng cao năng lực hoạt động của tuyến sinh dục, chống lão hóa, tăng cường khả năng chịu đựng của cơ thể trong điều kiện thiếu dưỡng khí, trấn tĩnh, chống co giật, kháng viêm, chống huyết tắc, chống nấm, kháng ung thư và nâng cao khả năng chịu nóng của cơ thể. Ngoài ra, tiên mao còn có tác dụng cường tim và làm giãn mạch vành.
Trong dân gian, người ta thường dùng tiên mao 50 g thái mỏng, sao vàng, ngâm với 650 ml rượu trắng, sau 7 ngày có thể dùng được. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 1 chén nhỏ chừng 25-30 ml để chữa phong thấp, lưng lạnh đau, thần kinh suy nhược và liệt dương. Một số vùng dân tộc ít người ở nước ta, người dân dùng rễ tiên mao để làm thuốc bổ nên mới gọi là sâm, rồi vì lá giống lá cau nên có tên là sâm cau.
ThS. Hoàng Khánh Toàn, Sức Khỏe & Đời Sống